Hội chứng "xương đói" xảy ra khi tình trạng canxi trong máu hạ thấp kéo dài, thường gặp sau phẫu thuật tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Hội chứng "xương đói" (Hungry bone syndrome - HBS) có thể gặp ở người bệnh nhiễm độc giáp, ung thư tuyền liệt tuyến di căn xương. Bệnh khiến canxi máu, hàm lượng phốt pho và magie máu hạ.
Người mắc tình trạng cường cận giáp nguyên phát có 4-13% khả năng mắc hội chứng "xương đói". Tỷ lệ này tăng lên 20-70% ở người bệnh cường cận giáp thứ phát. Người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp, tỷ lệ mắc hội chứng này là 27%, người mắc bệnh basedow nguy cơ cao nhất khoảng 47% .
Nguyên nhân
Hormone tuyến cận giáp (Polypeptide - PTH) có vai trò kiểm soát nồng độ canxi, phốt pho, vitamin D trong máu và xương. Khi canxi trong máu thấp, tuyến cận giáp tiết hormone PTH kích thích giải phóng canxi từ xương vào máu. Cường cận giáp xảy ra khi nồng độ PTH trong máu cao.
Sau phẫu thuật tuyến cận giáp để điều trị cường cận giáp, mức PTH thường giảm đột ngột. Trong quá trình phẫu thuật tuyến giáp, nếu tuyến cận giáp tổn thương có thể làm giảm mức PTH, dẫn đến giảm khả năng tiêu xương cũ và tăng quá trình hình thành xương mới. Điều này làm cho xương thiếu canxi, do đó có tên là hội chứng "xương đói". Lượng canxi trong máu giảm để tăng sử dụng canxi cho hình thành xương.
Triệu chứng
Chính cơ chế bệnh sinh nên hội chứng "xương đói" có triệu chứng tương tự bệnh hạ canxi máu. Các triệu chứng gồm chuột rút hoặc co thắt cơ, yếu cơ, đau xương, mệt mỏi, lú lẫn, khó chịu hoặc bồn chồn, ngứa ran ở môi, lưỡi, ngón tay hoặc bàn chân. Hạ canxi máu nặng có thể gây co thắt cơ cổ họng dẫn đến khó thở (co thắt thanh quản), gồng cứng cơ (tetany), co giật động kinh.
Chẩn đoán và điều trị
Xét nghiệm canxi máu giúp chẩn đoán bệnh. Chỉ số canxi trong máu dưới 8,4 mg/dL trong hơn 4 ngày có thể kết luận người bệnh mắc hội chứng "xương đói".
Người bệnh có thể phải làm các xét nghiệm khác gồm magie, phốt pho, vitamin D trong máu, đo điện tâm đồ, chụp X-quang xương... để đánh giá ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe.
Mục tiêu điều trị là đưa mức canxi trong máu về chỉ số bình thường. Các phương pháp gồm truyền canxi tĩnh mạch, bổ sung canxi đường uống, bổ sung vitamin D và magie.
Bệnh có tỷ lệ điều trị thành công cao, một số trường hợp kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm hội chứng "xương đói" dễ để lại các biến chứng như co giật, chuột rút, loãng xương, gãy xương, suy giảm chức năng vận động, rối loạn nhịp tim...
Bác sĩ Trúc khuyến cáo người bệnh sau phẫu thuật cắt tuyến cận giáp hoặc tuyến giáp nên được kiểm tra kỹ mật độ xương, nồng độ canxi máu, phốt pho, vitamin D và hormone tuyến cận giáp. Bổ sung vitamin D, canxi trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục theo dõi các chỉ số trên, thông báo với bác sĩ nếu có bất thường.
Bình luận (0)
Không có bình luận nào cho bài viết này. Hãy là người đầu tiên bình luận!