Nghệ An - Đền thờ, lăng mộ vua Mai Hắc Đế cùng thân mẫu tại huyện Nam Đàn nằm giữa thung lũng và trên những ngọn đồi được bao quanh bởi cánh đồng, thu hút nhiều du khách đến vãn cảnh, chiêm bái.
Quần thể di tích ở huyện Nam Đàn gồm khu lăng mộ, đền thờ Mai Hắc Đế cùng thuộc thị trấn Nam Đàn; cồn Dẻ, nơi an táng thi hài thân mẫu vua và đền thờ Mai Thánh Mẫu đặt trên cồn Chèn tại xã Nam Thái.
Khu di tích Mai Hắc Đế được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996.
Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Mai Thúc Loan càng lớn càng thông minh, khoẻ mạnh, là một đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày nay.
Chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đã nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế. Đến năm 722, quân Đường quay lại đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế trốn vào rừng rồi mất ở đó vào năm 723.
Trên ảnh là tượng Mai Hắc Đế đặt tại tòa thượng điện của khu lăng mộ.
Khu lăng mộ vua Mai rộng hơn 10.000 m2, nằm trong thung lũng Hùng Sơn, gần sông Lam, thuộc tổ dân phố Hà Long, thị trấn Nam Đàn.
Đây là nơi an táng thi hài của Mai Hắc Đế. Trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, thung lũng được chọn làm trung tâm căn cứ địa.
Công trình được xây theo thiết kế miếu ở trên, mộ dưới. Mặt tiền là nhà hạ điện, phía sau là trung điện, thượng điện, hai bên gồm tả vu, hữu vu, nhà chờ... Qua thời gian, các hạng mục đều được trùng tu, trang trí bề thế. Xung quanh khuôn viên có nhiều cây xanh phủ bóng mát.
Bên trong các tòa điện rộng 50-70 m2, khung dựng bằng gỗ, xung quanh đặt bàn thờ, tượng Mai Hắc Đế và một số hiện vật liên quan cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.
Phía sau tòa thượng điện là mộ vua Mai. Hạng mục được xây bằng bê tông, phía trên có mái che, trước mộ đặt nhiều bình hoa.
Chếch về phía bắc khoảng 50 m, nằm ở trên đỉnh núi Đụn là miếu mộ Mai Thiếu Đế, tên thật là Mai Thúc Huy, con trai út của Mai Hắc Đế.
Trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, Mai Thúc Huy cũng bị quân Đường bao vây tại núi Đụn, thuộc thung lũng Hùng Sơn, rồi mất tại đây.
Cách khu lăng mộ khoảng 3 km là đền thờ Mai Hắc Đế, thuộc tổ dân phố Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn. Đền xây thời Nguyễn, qua thời gian bị xuống cấp, hủy hoại, đầu năm 2011 nhà chức trách đã tôn tạo lại.
Đền gồm tam quan; thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng.
Cách thị trấn Nam Đàn gần 10 km, cồn Dẻ - một quả đồi thấp được bao quanh bởi đồng ruộng thuộc xã Nam Thái là nơi an táng thi hài mẹ vua Mai. Để lên mộ, người dân cần leo hơn 100 bậc thang.
Theo các tài liệu lịch sử, trong một lần lên núi, mẹ Mai Thúc Loan bị thú dữ vồ, vị vua và dân làng đã đưa bà về an táng tại cồn Dẻ.
Đền thờ Mai Thánh Mẫu cũng thuộc xã Nam Thái, nằm trên đỉnh cồn Chèn, cách cồn Dẻ gần một km. Đền xây năm 2012 tromg khuôn viên rộng khoảng 2.000 m2 có chính điện, bia dẫn tích...
Phía sau đền là ngôi nhà tranh vách nứa đã phục dựng, bên phải trồng cây mơ, trước bia dẫn tích đặt bàn đá cùng lư hương, ấm chén. Tương truyền, nhà tranh cũ là nơi Mai Thúc Loan cất tiếng khóc chào đời.
Mỗi năm, quần thể khu di tích vua Mai đón hàng chục nghìn lượt khách đến vãn cảnh, hành hương, chiêm bái.
Để tưởng nhớ công ơn vua Mai Hắc Đế, tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại khu di tích, người dân địa phương thường tổ chức Lễ hội vua Mai với nhiều nghi thức như dâng hương, lễ rước nước, khai quang, yết cáo cùng nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đẩy gậy, kéo co... Ảnh: Nguyễn Hồng Hải
Trong các trò chơi dân gian tại Lễ hội vua Mai, đấu vật luôn được yêu thích, thu hút hàng nghìn người ngồi quanh sới để xem.
Theo sử sách, thuở nhỏ Mai Thúc Loan có sức khỏe hơn người, 10 tuổi đã dùng rìu chém hổ, 14 tuổi quật ngã lính nhà Đường trong hội đấu vật. Khi làm vua, ông vẫn giữ được khí phách, tinh thần thượng võ.
Hàng năm vào mùa xuân, vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong. Đấu vật sau đó trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân xứ Nghệ.
Đức Hùng - VNExpress.net